Khái niệm về đất dịch vụ là một thắc mắc thường gặp. Việc đầu tư vào loại hình đất này mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc đầu tư vào đất dịch vụ vẫn còn nhiều rủi ro không lường trước được và nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Khi Nhà nước có chính sách thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng cho các mục đích khác như phục vụ dự án thì người nông dân tất nhiên sẽ mất phần đất canh tác này. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nghề nghiệp cũng như thu nhập của người dân. Do đó mà pháp luật có những quy định riêng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong trường hợp này.
Vậy đất dịch vụ là gì?
Có thể hiểu đất dịch vụ là phần đất nhà nước đền bù cho những hộ dân bị thu hồi trên 1/3 diện tích đất nông nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mỗi một suất đất thông thường sẽ có diện tích khoảng 40 – 50 mét vuông và khi chính quyền địa phương hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiến hành sẽ tổ chức bốc thăm số lô đất cụ thể.
Theo đó những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất không được bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới. Một trong những cách hỗ trợ đó chính là giao đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp. Đây chính là đất dịch vụ mà mọi người biết tới.
Đặc điểm của đất dịch vụ
Các cơ sở hạ tầng của khu đất dịch vụ sẽ được xây dựng trước hoặc đồng thời với khu đô thị. Hộ gia đình được giao đất dịch vụ sẽ không phải mất phí sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và sẽ được bồi thường theo giá đất ở nếu nhà nước thu hồi đất.
Vị trí đất dịch vụ thường nằm trong hay cạnh các khu đô thị có cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi. Nói chung vị trí đất dịch vụ được đánh giá là đẹp và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Phân loại đất dịch vụ
Hiện nay đất dịch vụ được chia thành 02 loại:
► Đất thuộc quỹ đất cộng đồng, đấu thầu ở những khu vực công cộng như: chợ, bến xe,…
► Đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án
Đối với khái niệm đất dịch vụ là gì nêu trên, cần nắm thêm được khái niệm đất dịch vụ 5% – 7% – 10%. Đây là các tỉ lệ bồi thường hoặc giao đất theo diện tích đất nông nghiệp bị bị hồi. Trong Luật đất đai, không có khái niệm về đất dịch vụ 5%, đất dịch vụ 10%,.. mà chỉ phân loại thành đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, có thể hiện đất thương mại dịch vụ 10% nghĩa là cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất sẽ được đền bù bằng 10% diện tích đất bị thu hồi theo quy định ở từng địa phương.
Còn với đất dịch vụ 5%, 7%,… thì theo quy định tại Điều 132, Luật đất đai 2013, mỗi địa phương sẽ được lập quỹ đất nông nghiệp phục vụ cho công ích là bằng hoặc trên 5% tùy theo quỹ đất của phường, xã, thị trấn.
Những rủi ro khi đầu tư
Đầu tư vào đất dịch vụ có thể mang đến một khoản siêu lợi nhuận nhưng kèm theo đó cũng có rất nhiều rủi ro. Bởi hầu hết đất dịch vụ tại thời điểm giao kết là không có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Chính vì thế mà đa phần các giao dịch mua bán hoàn toàn không dựa trên hợp đồng mà lại dựa trên giấy viết tay. Điều này có thể mang lại những rủi ro vô cùng lớn vì không có sự chắc chắn nào cả. Ngoài ra, đất dịch vụ trên thực tế là đất được cấp để hỗ trợ cho người dân sản xuất kinh doanh chứ không phải đất ở. Nếu muốn chuyển thành đất ở thì phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật nữa rồi mới được phép xây nhà.
Để hạn chế việc rủi ro về việc chuyển nhượng, mua bán, tặng cho, kế thừa… đất dịch vụ. Có thể tham khảo thực hiện các quy định chi tiết tại Điều 188 – Luật Đất đai năm 2013.